Chủ trương của Đảng về Cải cách hành chính

Chủ đề   RSS   
  • #18934 09/01/2009

    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Chủ trương của Đảng về Cải cách hành chính

    Cải cách hành chính ở Việt Nam là công việc mới mẻ, diễn ra trong điều kiện thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quản lý hành chính nhà nước trong thời kỳ mới, có nhiều vấn đề phải vừa làm, vừa tìm tòi rút kinh nghiệm. Vì vậy, việc hình thành quan niệm và những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc cải cách hành chính cũng như việc đề ra những nội dung, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn là một quá trình tìm tòi sáng tạo không ngừng, là một quá trình nhận thức liên tục, thống nhất trong tiến trình đổi mới được khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.

    Từ xác định những nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng, Đại hội VI đã chỉ rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác tổ chức và đề ra chủ trương thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tổ chức bộ máy nhà nước đã được sắp xếp lại một bước theo hướng gọn nhẹ, bớt đầu mối. Tuy nhiên, nhìn chung tổ chức và biên chế của bộ máy nhà nước vẫn còn quá cồng kềnh, nặng nề.

    Đến Đại hội VII, Đảng xác định tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước và đề ra những nhiệm vụ về sửa đổi Hiến pháp, cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, sửa đổi cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Chính phủ, của chính quyền địa phương. Trên cơ sở những nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra, trong nhiệm kỳ này đã tiến hành đợt sắp xếp lần thứ hai kể từ Đại hội VI hệ thống chính trị ở nước ta bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

    Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 do Đại hội VII thông qua đã khẳng định bước tiến về lý luận, nhận thức về nền hành chính nhà nước. Cương lĩnh đã nêu:

    Về Nhà nước “phải có đủ quyền lực và có đủ khả năng định ra luật pháp về tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật. Sửa đổi hệ thống tổ chức nhà nước, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn các cơ quan lập pháp để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý của Nhà nước”. Chiến lược cũng nêu trọng tâm cải cách “nhằm vào hệ thống hành chính với nội dung chính là xây dựng một hệ thống hành chính và quản lý hành chính nhà nước thông suốt, có đủ quyền lực, năng lực, hiệu quả”.

    Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, tháng 4/1992, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1980. Hiến pháp 1992 thể hiện sự nhận thức đầy đủ hơn về phân công, phối hợp giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong tổng thể quyền lực thống nhất của Nhà nước.

    Sau Đại hội VII, từ 1992 đến 1995 là giai đoạn phát triển mạnh tư duy, quan niệm, nhận thức của Đảng về nền hành chính nhà nước và về cải cách hành chính. Hội nghị Trung ương 8 khoá VII (1/1995) đánh dấu bước phát triển mới về xây dựng và phát triển nền hành chính nhà nước. Cải cách một bước nền hành chính nhà nước được xác định là trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, với mục tiêu là xây dựng một nền hành chính trong sạch có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Lần đầu tiên 3 nội dung chủ yếu của cải cách hành chính nhà nước được trình bày một cách hệ thống trong Nghị quyết Trung ương 8, đó là cải cách thể chế của nền hành chính, chấn chỉnh tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

    Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII đã mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển biến thật sự trong cải cách hành chính ở nước ta. Có thể nói Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII) có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính của 20 năm đổi mới vừa qua.

    Tiếp tục khẳng định cải cách hành chính là trọng tâm của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước trong những năm trước mắt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) nhấn mạnh yêu cầu tiến hành cải cách hành chính đồng bộ, dựa trên cơ sở pháp luật, coi đó là một giải pháp cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 1996-2000.

    Với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII) một cách tích cực theo chương trình, kế hoạch, Nghị quyết Đại hội VIII nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với cơ chế mới; cải tiến quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, và sắp xếp lại bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, hợp nhất một số cơ quan quản lý chuyên ngành về kinh tế trên cơ sở xác định rõ và thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Theo đó, 4 điểm bổ sung quan trọng trong định hướng cải cách được Nghị quyết đề ra là:

    - Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp hành chính;

    - Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hoá sự phân cấp quản lý nhà nước giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

    - Đổi mới chế độ công chức và công vụ (bao gồm sửa đổi quy chế thi tuyển, bồi dưỡng, đào tạo mới và trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý và sa thải những người thoái hoá, biến chất; tăng cường biện pháp và phối hợp lực lượng đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, cửa quyền trong bộ máy quản lý nhà nước và các tổ chức kinh tế nhà nước);

    - Thành lập Toà án hành chính và thực hiện xã hội hoá đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực dịch vụ công.

    Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) họp tháng 6 năm 1997 ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những chủ trương và giải pháp lớn về cải cách hành chính được nhấn mạnh trong Nghị quyết quan trọng này là bảo đảm thực hiện dân chủ hóa đời sống chính trị của xã hội, giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ nhà nước, trong giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và hoạt động của cán bộ, công chức. Từ đó, Chính phủ ban hành các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.

    Trong việc xây dựng chiến lược về cán bộ cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2020, Nghị quyết Trung ương 3 đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, coi đó là yếu tố quyết định đến chất lượng bộ máy nhà nước. Cán bộ lãnh đạo phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức toàn diện, được bố trí, điều động theo nhu cầu và lợi ích của đất nước.

    Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII), đã biểu thị một quyết tâm chính trị rất lớn về việc tiếp tục tiến hành cải cách hành chính, đặt cải cách hành chính trong tổng thể của đổi mới hệ thống chính trị.

    Từ việc kiểm điểm tình hình và rút kinh nghiệm thực tiễn, Đảng đã đi đến khẳng định, trong điều kiện một đảng cầm quyền, sự đổi mới chưa đồng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị là trở ngại lớn của công cuộc cải cách hành chính trong thời gian qua. Không thể tiến hành cải cách riêng nền hành chính tách rời sự đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân. Cũng không thể cải cách hành chính một cách biệt lập mà không đồng thời đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp.

    Từ nhận thức đó, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII) đề ra chủ trương tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, với việc kiên quyết sắp xếp một bước bộ máy các tổ chức trong hệ thống chính trị, thực hiện tinh giảm biên chế, cải cách chính sách tiền lương.

    Đại hội IX (năm 2001) bên cạnh việc khẳng định mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá đã đưa ra một loạt chủ trương, giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính thời gian tới như điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ, nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; phân công, phân cấp; tách cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công; tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, tách rõ chức năng quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; thiết lập trật tự kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng…

    (Nguồn - Bộ Nội Vụ)
     
    62203 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn haminhgiap vì bài viết hữu ích
    nhom3cap (06/11/2014)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #18935   09/01/2009

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010

    Đại hội đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX (tháng 4/2001) bên cạnh việc khẳng định mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá đã đưa ra một loạt chủ trương, giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính thời gian tới như điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ, nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; phân công, phân cấp; tách quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, tách cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công; tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; thiết lập trật tự kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng.

    Để thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng xây dựng cho được một chương trình cải cách hành chính có tính chiến lược, dài hạn của Chính phủ. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
     
    Báo quản trị |  
  • #18936   09/01/2009

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Ý nghĩa, mục tiêu của chương trình

    Ý nghĩa

    Với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, lần đầu tiên trong quá trình cải cách, Chính phủ có một chương trình có tính chiến lược, dài hạn, xác định rõ 4 lĩnh vực cải cáchcải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chứccải cách tài chính công, định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách và xác định các giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm thắng lợi công cuộc cải cách. Chương trình tổng thể sẽ là công cụ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính.

    Mục tiêu chung

    Mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 là: xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
     
    Báo quản trị |  
  • #18937   09/01/2009

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    9 mục tiêu, 4 nội dung, 5 giải pháp và 7 chương trình hành động

    09 MỤC TIÊU CỤ THỂ

     1. Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, trước hết là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính.

    Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tính cục bộ trong việc chuẩn bị, soạn thảo các văn bản; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng thể chế, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của nhân dân để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

    2. Xoá bỏ về cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân.

    3. Các cơ quan trong hệ thống hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; chuyển được một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ đảm nhận.

    4. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện.

    Bộ máy của các bộ được điều chỉnh về cơ cấu trên cơ sở phân biệt rõ chức năng, phương thức hoạt động của các bộ phận tham mưu, thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công.

    5. Đến năm 2005, về cơ bản xác định xong và thực hiện được các quy định mới về phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn.

    Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức lại gọn nhẹ, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước theo nhiệm vụ và thẩm quyền được xác định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi). Xác định rõ tính chất, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của chính quyền cấp xã.

    6. Đến năm 2010, đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, công chức có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tuỵ, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân.

    7. Đến năm 2005, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách cơ bản, trở thành động lực của nền công vụ, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình.

    8. Đến năm 2005, cơ chế tài chính được đổi mới thích hợp với tính chất của cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công.

    9. Nền hành chính nhà nước được hiện đại hoá một bước rõ rệt. Các cơ quan hành chính có trang thiết bị tương đối hiện đại phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước kịp thời và thông suốt. Hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ được đưa vào hoạt động.

    04 NỘI DUNG CẢI CÁCH

    Cải cách thể chế

    - Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.

    - Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

    - Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.

    - Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

    Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

    - Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.

    - Từng bước điều chỉnh những công việc mà Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhận để khắc phục những chống chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện.

    - Đến năm 2005, về cơ bản ban hành xong và áp dụng các quy định mới về phân cấp Trung ương - địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân địa phương. Gắn phân cấp công việc với phân cấp về tài chính, tổ chức và cán bộ. Định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của Trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của Trung ương.

    - Bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ

    - Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

    - Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương

    - Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp.

    - Thực hiện từng bước hiện đại hoá nền hành chính.

    Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

         - Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức

    - Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ

    - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

    - Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức

    Cải cách tài chính công

        - Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chỉ đạo của ngân sách Trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của địa phương và các ngành trong việc điều hành tài chính và ngân sách.

    - Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương của Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động xử lý các công việc ở địa phương; quyền quyết định của các bộ, sở, ban, ngành về phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; quyền chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt phù hợp với chế độ, chính sách.

    - Trên cơ sở phân biệt rõ cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công, trong 2 năm 2001 và 2002 thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính, xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cách tính toán kinh phí căn cứ vào kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu của cơ quan hành chính, đổi mới hệ thống định mức chi tiêu cho đơn giản hơn, tăng quyền chủ động của cơ quan sử dụng ngân sách.

    - Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công

    - Thực hiện thí điểm để áp dụng rộng rãi một số cơ chế tài chính mới như:

    + Cho thuê đơn vị, sự nghiệp công, cho thuê đất để xây dựng cơ sở nhà trường, bệnh viện, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công chức chuyển từ các đơn vị công lập sang dân lập.

    + Cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề, đại học, trên đại học, khám chữa bệnh có chất lượng cao v.v…

    + Thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công cộng như vệ sinh đô thị, cấp, thoát nước, cây xanh công viên, nước phục vụ nông nghiệp…

    + Thực hiện cơ chế hợp động một dịch vụ công trong cơ quan hành chính.

    - Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, xoá bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công, tất cả chỉ tiêu tài chính được công bố công khai.

    05 GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
     

        - Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành.

    - Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.

    - Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

    - Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực.

    - Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.

    07 CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

        Bảy chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, bao gồm:

    - Chương trình 1: “Đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật” do Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ chủ trì.

    - Chương trình 2: “Nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước” giai đoạn I (2003-2005) do Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ chủ trì.

    - Chương trình 3: “Chương trình tinh giản biên chế” do Bộ Nội vụ chủ trì

    - Chương trình 4: “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước giai đoạn I (2003-2005)” do Bộ Nội vụ chủ trì.

    - Chương trình 5: “Chương trình cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ chủ trì.

    - Chương trình 6: “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công” do Bộ Tài chính chủ trì.

    - Chương trình 7: “Hiện đại hoá hành chính” do Văn phòng Chính phủ chủ trì.

     
    Báo quản trị |  
  • #18938   09/01/2009

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Trách nhiệm thực hiện


    - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

    - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

    - Các cơ quan được giao chủ trì các chương trình hành động cụ thể chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện.

    - Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài theo yêu cầu thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

    - Các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Chương trình tổng thể này và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính 5 năm và hàng năm, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

    - Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    * Trích nguồn: Bộ Nội Vụ
     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn haminhgiap vì bài viết hữu ích
    nguyenquanganhhao (15/12/2019)