Chủ cơ sở kinh doanh có còn phải lập phương án cứu nạn cứu hộ theo quy định mới không?

Chủ đề   RSS   
  • #614516 25/07/2024

    nitrum01
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam
    Tham gia:25/12/2022
    Tổng số bài viết (335)
    Số điểm: 2770
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 46 lần


    Chủ cơ sở kinh doanh có còn phải lập phương án cứu nạn cứu hộ theo quy định mới không?

    Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn. Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn. Khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thì chủ cơ sở có phải lập phương án cứu hộ theo quy định mới.

    Cứu nạn, cứu hộ là gì?

    Theo nội dung giải thích từ ngữ được đề cập tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 83/2017/NĐ-CP thì có thể hiểu:

    - Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

    - Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.

    Nguyên tắc khi tiến hành cứu nạn, cứu hộ cần:

    - Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

    - Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

    - Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.

    Chủ cơ sở kinh doanh có phải lập phương án cứu hộ khi hoạt động kinh doanh

    Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 83/2017/NĐ-CP có giải thích cụm từ "Cơ sở" là từ gọi chung cho công ty, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, rạp hát, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại, doanh trại lực lượng vũ trang và các công trình khác.

    + Đối với quy định cũ (quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 83/2017/NĐ-CP) có đề cập về trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này (phương án cứu nạn, cứu hộ cơ sở);

    - Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này (phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

    Chủ cơ sở, người đứng đầu cơ sở theo quy định cũ có trách nhiệm phải tiến hành tổ chức, chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình.

    + Đối với quy định mới được nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 50/2024/NĐ-CP, đây là nội dung sửa đổiquy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 83/2017/NĐ-CP thì chỉ yêu cầu cơ quan Công an là đơn vị phải tiến hành xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ.

    Như vậy, theo quy định mới thì chủ cơ sở kinh doanh không phải thực hiện lập phương án cứu nạn, cứu hộ, hiện tại chỉ có yêu cầu lập phương án phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

     
    579 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận