Tình huống khi người dân muốn mắc điện lưới qua đất nông nghiệp của người khác, chỉ đường dây đi qua, không chôn trụ trên đất họ với đường dây hạ thế cao 14m mà họ không cho. Vậy sự ngăn cản của họ có đúng pháp luật không? Viện dẫn luật nào để có thể làm việc được với họ?
Liên quan đến vấn đề này, quy định hiện hành điều chỉnh được nêu tại Điều 255 Bộ Luật dân sự 2015:
Điều 255. Mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác
Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Căn cứ quy định trên, có thể thấy, chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác một cách hợp lý nhưng phải đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đối với tình huống được nêu, nếu người có nhu cầu chạy dậy điện cho bất động sản thuộc quyền sử dụng của mình, nếu người này chứng minh được việc mắc đường dây tải điện qua đất của nhà hàng xóm là đường thuận tiện nhất để sử dụng lưới điện cho bất động sản của mình thì cá nhân này có quyền yêu cầu mắc dây điện qua đất của đất nông nghiệp của hộ dân kia. Tuy nhiên, nếu gia đình hộ liền kề chứng minh được việc mắc dây điện của người muốn chạy dây điện không đảm bảo an toàn thì gia đình hộ liền kề có quyền không cho phép người này thực hiện.
Để bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên thì 2 bên nên thỏa thuận với nhau về việc xây dựng đường dây điện một cách phù hợp. Nếu không thỏa thuận được thì người có nhu cầu có thể yêu cầu Tòa án nhân dân huyện tại địa phương giải quyết tranh chấp này.