Cha mẹ phân biệt đối xử con trai, con gái trong gia đình có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #612642 11/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 106 lần


    Cha mẹ phân biệt đối xử con trai, con gái trong gia đình có bị phạt không?

    Phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong gia đình là vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi trong xã hội hiện nay. 

    Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, phát triển của trẻ mà còn có thể vi phạm pháp luật. Vậy cha mẹ phân biệt đối xử con trai, con gái trong gia đình có bị phạt không?

    Phân biệt đối xử giữa con trai và con gái là hành vi không công bằng, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho cả cá nhân lẫn xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và đảm bảo sự công bằng giữa các giới tính là rất quan trọng. 

    Phân biệt đối xử giữa con trai và con gái có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc ưu ái về vật chất, giáo dục cho đến tình cảm.

    Việc này không chỉ làm tổn thương trẻ em mà còn có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý nghiêm trọng như tự ti, mất tự tin và thậm chí là bạo lực gia đình.

    (1) Cha mẹ phân biệt đối xử con trai, con gái trong gia đình có bị phạt không?

    Căn cứ theo Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định các hành vi bạo lực gia đình, bao gồm:

    - Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

    - Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

    - Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

    - Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em.

    - Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình.

    - Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

    - Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

    - Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

    - Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

    - Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

    - Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp.

    - Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

    - Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.

    - Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.

    - Cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

    - Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

    Như vậy, hành vi phân biệt đối xử giữa con trai và con gái là việc kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình và là các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

    - Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

    - Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

    - Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

    - Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

    - Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

    - Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.

    - Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

    Như vậy, hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 là các hành vi bị nghiêm cấm, cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    (2) Mức phạt khi cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử con trai, con gái trong gia đình 

    Theo khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022  quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

    Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới quy định như sau: 

    Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính.

    - Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

    Bên cạnh bị phạt tiền, cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 13 như sau:

    - Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 13 (trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu);

    - Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 13

    Tóm lại, cha mẹ phân biệt đối xử con trai và con gái trong gia đình là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

     
    148 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận