Hồi trước, Shin từng có bài viết về Cách nhận biết Giấy tờ nhà đất giả, nhưng chuyện giấy tờ giả là chuyện trước kia, người ta vẫn có cách xử lý riêng đối với vấn nạn Giấy tờ giả này. Thế nhưng, phải làm sao với vấn nạn “Giấy tờ thật, nhưng người giả” đây?
Đó mới là điều khó khăn, mà không chỉ dân thường mà cả dân công chứng đang phải đối mặt.
Để dễ hình dung vấn nạn “Giấy tờ thật, người giả”, Shin sẽ kể cho các bạn nghe 2 câu chuyện có thật:
Câu chuyện số 1:
Anh A nọ đi mua nhà tại xã X, huyện Y, tỉnh Z. Khi đến mua nhà anh cũng kỹ lưỡng hỏi các thông tin như giá nhà, việc xây dựng như thế nào rồi giấy tờ nhà ra sao….Để chắc chuyện, anh A xin bản photo giấy tờ nhà đất để về nghiên cứu và hỏi thêm thông tin người thân, bạn bè.
Tình cờ, sau đó, anh có đi cà phê với mấy người bạn, ngồi kể chuyện tâm sự, anh mới nói là định mua căn nhà tại xã X, huyện Y, tỉnh Z. Trong đó, anh B mới hỏi anh A rằng phải căn nhà đó không (sau khi diễn tả địa điểm, đặc điểm nhận dạng căn nhà). Anh A mới nói rằng đúng rồi, căn nhà đó đấy, rồi nói tưởng đâu xa, chứ nhà đó là nhà dì của anh B.
Nhưng sao anh B không nghe dì mình nói gì về vụ bán nhà nhỉ? Anh B mới lật đật gọi điện thoại cho dì của mình thì dì cũng bảo dì không có bán nhà.
Thấy thế, A và B cùng đến nhà dì của B, dì của B nói vẫn còn giữ giấy tờ nhà đất đây, đâu có đem đi photo hay gửi cho ai để bán nhà đâu? Sau đó, cả 3 người cùng đem những giấy tờ đó lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để nhờ họ kiểm tra.
Sau đó, dì của B mới tá hỏa rằng, giấy tờ nhà đất bao lâu nay mình giữ là giả, mặc dù thông tin trên đó là có thật, còn giấy tờ kia là thật, nhưng thông tin cá nhân trên kia là giả? @@
Câu chuyện số 2:
Cũng là giao dịch mua bán nhà, anh M có mua nhà của anh N có hợp đồng mua bán nhà cùng các giấy tờ nhà đất chính thức. Thế nhưng, đứng tên trên giấy tờ là thông tin cá nhân của anh K, chỉ có hình ảnh là của anh N. Sau khi thực hiện hợp đồng mua bán công chứng cả anh M và anh N đều đứng ra thực hiện, ký tên xác thực là của anh K, không phải anh N. Cho đến khi thực hiện thủ tục sang tên tại một văn phòng công chứng khác, thì tại văn phòng này mới phát hiện thủ đoạn lừa đảo của anh N là giả làm anh K, do vậy, tại văn phòng này đã lập biên bản để tạm giữ các loại giấy tờ và chuyển cho cơ quan điều tra.
Rất may cho anh M trong trường hợp này đã đựơc phát hiện kịp thời.
Một số lưu ý để tránh vấn nạn “Giấy tờ thật, người giả” dành cho các bạn:
- Trước khi đưa ra quyết định mua bán, giao dịch, hãy xác định cụ thể nhân thân, địa chỉ của đối tác làm ăn với mình, càng cần cẩn thận nhiều hơn nữa với các giao dịch tài sản có giá trị lớn như ô tô, tham gia đầu tư, mua bán dự án bất động sản.
- Khi thực hiện hợp đồng mua bán, không nên dùng các hợp đồng, giấy tờ mua bán sang tay mà phải đến cơ quan, văn phòng công chứng để làm thủ tục mua bán theo đúng quy định pháp luật.
- Tự bảo quản giấy tờ tùy thân của cá nhân (CMND, thẻ căn cước công dân, sổ đỏ, Giấy đăng ký xe, Hộ khẩu…) cẩn thận. Không nên cho người khác mượn hoặc bảo quản dùm.
Nếu bị mất hoặc thất lạc thì cần phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại nhằm phòng tránh đối tượng xấu sử dụng giấy tờ tùy thân bị thất lạc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nếu bạn nào còn biết cách để tránh, để cảnh giác với vấn nạn nêu trên, vui lòng chia sẻ để bà con cùng biết nhé!