Theo ý kiến của mình, ngay từ ban đầu, việc xác định cho ai vay hay mượn tiền rất cần thiết, nó ảnh hưởng đến khả năng bạn được trả nợ sau này. Hãy xác định rằng họ thật sự đang gặp rắc rối và cần đến sự giúp đỡ của bạn và họ là người "có nợ phải trả". Tuy nhiên, không phải ai và cũng không phải lúc nào người cho vay, mượn tiền đều có thể xác định được điều đó. Có thể họ thật sự cần tiền, thái độ thành khẩn lúc đi vay, nhưng đến khi bạn đòi lại tỏ thái độ khác. Về các phương án đòi nợ mà bạn đưa ra:
Thứ nhất, quỳ lạy, van xin, năn nỉ người nợ trả tiền. Mình nghĩ cách này không hoàn toàn là không thể áp dụng, tuy nhiên áp dụng đối với đối tượng nào và áp dụng ra sao cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Mình thấy có trường hợp, người cho vay ngày nào cũng đến tìm người vay tiền năn nỉ trả tiền, thậm chí ngày 3 bữa, đều đặn như giờ cơm, không đến mức phải quỳ lạy, van xin nhưng lại "bám riết không buông" dai dẳng như thế, đến nỗi người nợ cũng phải thấy phiền mà trả cho bạn. Phương án này đòi hỏi sự kiên nhẫn của chủ nợ và thời gian mà họ bỏ ra cũng không ít, khoản nợ lớn bao nhiêu để bạn có thể bất chấp mà áp dụng? Với cả không phải người nợ nào cũng tự giác thấy phiền mà trả nợ, bạn kiên trì có khi người ta còn kiên trì "không trả" hơn. =))
Thứ hai, thuê giang hồ dọa người mượn/vay để họ trả tiền. Phương án này có vẻ khá mạnh tay, nếu thuận lợi thì bạn có thể đòi được nợ nhanh chóng đấy, thuận lợi ở đây là không ai biết và người mượn/vay biết sợ mà trả nhanh vì không có nền pháp luật nào công nhận việc bạn thuê giang hồ dọa người khác để họ trả nợ cả. Nếu nghĩ rằng, thuê giang hồ nhưng có thỏa thuận rõ ràng rằng: "chỉ dọa thôi, không được tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người nợ" thì e rằng người cho vay tiền không thể lường hết được những rủi ro trong đó. Nhắc đến giang hồ, người ta đã nghĩ ngay đến vũ lực, liệu người cho vay tiền có thể kiểm soát được hết những cách thức mà giang hồ sử dụng để đòi nợ khi mà họ đảm bảo rằng sẽ đòi được nợ. Chưa kể đến, nếu người vay tiền chống cự hay ăn vạ làm cho chính mình thương tích, thì lúc đó người cho vay tiền dù không trực tiếp gây ra thương tích cũng không thể thoát khỏi trách nhiệm.
Thứ ba, kiện ra tòa và nhờ Tòa án giải quyết, bạn là người tuân thủ pháp luật, bạn muốn tìm một người phân xử công bằng, nên bạn tìm đến Tòa án? Phương án này đúng pháp luật, không trái đạo đức xã hội nhưng lại không khuyến khích người cho vay thực hiện. Họ có biết quy trình khởi kiện, thậm chí là viết đơn khởi kiện thôi, họ có nắm đầy đủ bằng chứng, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là hợp lý, họ có nắm được trình tự thủ tục tố tụng hay tất cả việc đó họ cần tìm đến luật sư tư vấn? Khoảng thời gian từ lúc khởi kiện đến lúc hầu tòa, ra bản án là khoảng thời gian không nhỏ, nếu người nợ cố tình lẩn tránh thì thời gian đó sẽ kéo dài thêm, rồi chi phí bạn phải bỏ ra cho việc khởi kiện, phí tư vấn từ luật sư,...Giả sử người cho vay thắng kiện, bản án có hiệu lực thi hành rồi nhưng người nợ vẫn không trả nợ nữa, rồi lằng nhằng thêm một quá trình nữa. Như vậy, kiện ra tòa có phải là phương án tối ưu? Người cho vay cần cân nhắc kỹ càng trước khi áp dụng, không phải lúc nào cũng kiện, kiện và kiện.
Thứ tư, nhờ người có uy tín khác đòi giùm, phương án này có vẻ hợp lý, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa không vi phạm pháp luật. Nhưng cái khó ở đây là nhờ ai, nhờ như thế nào, liệu người đi vay có vì nghe lời khuyên giải của họ hay nể mặt họ mà trả tiền cho mình? Với lại, nợ là nợ của người ta, tiền là tiền của mình, họ có kiên trì đến cuối để đòi giúp mình hay không cũng cần lưu tâm.
Cho nên, ngay từ đầu mình cũng đã nói tới việc lựa chọn người để cho vay hay mượn tiền. Thỏa thuận cho vay hay mượn tiền cũng phải cẩn thận và rõ ràng, có hợp đồng đàng hoàng, thêm cả vật cầm cố nếu khoản vay lớn để đảm bảo sự trả nợ của người đi vay. Không nên kiêng nể quá chuyện bạn bè hay người thân, mặc dù tiền không thể gầy dựng nên tình bạn hay tình thân thật sự nhưng tình bạn hay tình thân có thể bị mất đi vì tiền. Mình nghĩ đòi nợ như thế nào thì người trong cuộc nắm rõ được tình hình thực tế mà chọn phương án đòi nợ hợp lý, hợp pháp.
Cập nhật bởi ThyThy2901 ngày 17/12/2017 11:18:25 SA