Để hạn chế thấp nhất tình trạng nạo phá thai gây nguy hiểm đến sức khoẻ của người mẹ cũng như ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, cần sử dụng những biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả nhất. Vậy, hiện nay có những biện pháp tránh thai nào là an toàn? Nếu phá thai sẽ bị xử lý như thế nào?
Các biện pháp tránh thai hiện nay?
Hiện nay có 05 biện pháp tránh thai phổ biến nhất là:
1) Tính thời kỳ an toàn
Đây là biện pháp được xem là lành tính nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường rơi vào 28 - 32 ngày. Trong đó, ngày rụng trứng sẽ rơi vào ngày thứ 14 - 15 của chu kỳ. Tổng thời gian rụng trứng là 10 ngày, bao gồm 5 ngày đầu và 4 ngày tiếp theo sau khi rụng trứng. Nếu không quan hệ vào thời gian này thì có thể tránh khả năng mang thai.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này chỉ tầm 75% bởi không phải người phụ nữ nào cũng có chu kỳ đều như nhau.
2) Sử dụng bao cao su
Đây có lẽ là biện pháp phổ biến nhất, hạn chế việc lây nhiễm các bệnh tình dục và khả năng tránh thai cao nếu dùng đúng cách.
Tuy nhiên, cần lưu ý mua bao cao su chất lượng cao, đúng size để tránh việc thủng, rách, tuột trong quá trình quan hệ và có hiệu quả cao nhất.
3) Đặt vòng tránh thai
Hiện nay vòng tránh thai có 2 loại thông dụng là vòng hình chữ T và vòng hình cánh cung, được đặt vào bên trong tử cung của phụ nữ. Ngoài hình dạng thì vòng tránh thai còn được chia làm 2 loại là loại chứa thuốc và không chứa thuốc (được cho thêm progestin để cải thiện hiệu quả tránh thai cao hơn). Vật liệu làm vòng tránh thai rất đa dạng như từ silicone, nhựa, đồng, thép không gỉ. Đồng thời, nếu muốn mang thai thì có thể tháo vòng ra là được.
Tuy nhiên, nó có nhiều tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới, viêm phụ khoa… Hơn nữa, nếu rơi ra mà không phát hiện có thể dẫn tới mang thai ngoài tử cung hoặc tụt vào sâu bên trong có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người phụ nữ.
4) Dùng thuốc tránh thai
Hiện nay có 02 loại thuốc tránh thai là thuốc uống và thuốc tiêm. Trong đó thuốc uống bao gồm tránh thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày.
Thuốc tránh thai hằng ngày có hiệu quả tránh thai tốt, tỷ lệ thành công 99%, thuận tiện. Khi sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày còn có tác dụng điều chỉnh rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt (do có chứa estrogen), giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng sản vú và ung thư buồng trứng.
So với thuốc tránh thai hàng ngày, hàm lượng hormone trong thuốc khẩn cấp cao hơn nhiều lần. Do đó, người dùng không nên lạm dụng vì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy yếu gan thận, teo niêm mạc tử cung, ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản, thậm chí gây ung thư và tử vong.
Đồng thời, thuốc không giúp hạn chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, mụn rộp sinh dục, chlamydia, lậu…
Thuốc uống và thuốc tiêm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ giống nhau, như căng ngực, thay đổi tâm trạng, đau đầu, trễ kinh, tăng cân… Bên cạnh đó, sử dụng mũi tiêm lâu dài có thể dẫn đến mất xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
5) Thắt ống dẫn tinh đối với nam giới
Đây là phương pháp thuận tiện, an toàn, tránh thai lâu dài với tỷ lệ thành công là 99,9% và không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới. Tỷ lệ thắt ống dẫn tinh thành công là 80% ~ 90%. Nếu muốn có con, có thể tiến hành phẫu thuật nối ống dẫn tinh.
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, nam giới cần có thời gian chăm sóc hậu phẫu để ngăn ngừa một số biến chứng hoặc nhiễm trùng.
Ngoài các biện pháp trên, hiện nay còn nhiều biện pháp tránh thai như cấy que, miếng dán tránh thai, xuất tinh ngoài, bao cao su nữ,... Biện pháp nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Cần tuỳ thuộc theo nhu cầu, tình trạng sức khoẻ của mình mà lựa chọn phương pháp tránh thai hiệu quả nhất.
Phá thai bị xử lý như thế nào?
Phá thai có vi phạm pháp luật không?
Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe 1989, phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể việc nạo phá thai là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm. Tuy nhiên, việc phá thai vẫn phải tuân thủ theo quy định và phải không được rơi vào điều cấm của pháp luật.
Các trường hợp phá thai hợp pháp
Trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT 2020 đã quy định việc nạo phá thai tại Phần 8 của văn bản.
Theo đó, phụ nữ mang thai chỉ được phép nạo, phá thai cho đến khi thai đủ 22 tuần tuổi. Trong đó, có các trường hợp phá thai hợp pháp như:
- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 9 tuần
- Phá thai to từ 13 tuần đến 22 tuần bằng phương pháp đặt túi nước
- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 8 tuần
- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai từ 13 tuần đến hết tuần 22
- Phá thai bằng phương pháp nong và gắp từ tuần thứ 13 đến hết tuần thứ 18
- Phá thai bệnh lý (bệnh lý mẹ, bệnh lý thai)
- Phá thai người bệnh có sẹo mổ lấy thai cũ
- Hút thai có kiểm soát bằng nội soi
- Hút thai dưới siêu âm
- Phá thai từ tuần thứ 6 đến hết 12 tuần bằng phương pháp hút chân không
- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 7 tuần
- Hút thai + Triệt sản qua đường rạch nhỏ
- Phá thai đến hết 7 tuần bằng phương pháp hút chân không
Như vậy, những phương pháp phá thai trên là hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trừ các trường hợp bất khả kháng, phụ nữ không nên lạm dụng để phá thai, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản.
Có hành vi phá thai nào bị cấm không?
Hành vi nạo phá thai nếu vì mục đích lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung như:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
Tóm lại, không có biện pháp tránh thai nào là an toàn và hiệu quả 100%. Vì vậy, cần lựa chọn phương pháp phù hợp và an toàn với bản thân nhất, có trách nhiệm với bản thân cũng là có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Không nên để xảy ra tình huống tiêu cực dẫn đến nạo phá thai tràn lan, vi phạm pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội.