Cá nhân mở nhà trẻ tư thục có bắt buộc phải làm đề án thành lập?

Chủ đề   RSS   
  • #611975 25/05/2024

    Cá nhân mở nhà trẻ tư thục có bắt buộc phải làm đề án thành lập?

    Cá nhân mở nhà trẻ tư thục có bắt buộc phải làm đề án thành lập? Hồ sơ thành lập nhà trẻ tư thục bao gồm những giấy tờ gì? Trình tự thực hiện thành lập nhà trẻ tư thục?

    1. Cá nhân mở nhà trẻ tư thục có bắt buộc phải làm đề án thành lập?

    Căn cứ Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện thành lập nhà trẻ tư thục được quy định cụ thể như sau:

    - Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    - Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

    Như vậy, cá nhân mở nhà trẻ tư thục phải làm đề án thành lập, đây là điều kiện bắt buộc để thành lập nhà trẻ tư thục.

    2. Hồ sơ thành lập nhà trẻ tư thục bao gồm những giấy tờ gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP. Theo đó, hồ sơ thành lập nhà trẻ tư thục bao gồm:

    - Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

    - Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.

    Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 03 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong từng giai đoạn.

    Như vậy, hồ sơ thành lập nhà trẻ tư thục gồm tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối và đề án thành lập.

    3. Trình tự thực hiện thành lập nhà trẻ tư thục?

    Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc thành lập nhà trẻ tư thục được thực hiện như sau:

    - Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại Mục 2 đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Như vậy, tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ tại Mục 2 đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập nhà trẻ tư thục. Trong 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cuối cùng, trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

     
    120 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận