Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh từ 01/07/2024

Chủ đề   RSS   
  • #606246 19/10/2023

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 83 lần


    Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh từ 01/07/2024

    Phòng thủ dân sự là gì? Các biện pháp phòng thủ dân sự nào được áp dụng trong tình trạng chiến tranh? Khi xảy ra sự cố, thảm họa cơ quan nào có thẩm quyền huy động lực lượng thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự?

    1. Quy định về phòng thủ dân sự và các cấp độ phòng thủ dân sự

    Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về phòng thủ dân sự như sau: Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.  

    Tại Khoản 1 Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định: Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. 

    Theo đó sẽ có 03 cấp độ phòng thủ dân sự như sau:

    - Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

    - Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

    - Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

    Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào các tiêu chí sau để xác định cấp độ phòng thủ dân sự:

    - Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa;

    - Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa;

    - Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;

    - Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.

    2. Các biện pháp phòng thủ dân sự nào được áp dụng trong tình trạng chiến tranh

    Tại Điều 26 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về các biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh bao gồm:

    - Triển khai hệ thống đài quan sát, thông báo, báo động và cảnh báo;

    - Tổ chức sơ tán người, tài sản;

    - Cất giấu trang thiết bị vào các công trình ngầm, hang, động;

    - Dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nước uống;

    - Xây dựng bổ sung hầm ẩn nấp, công trình ngầm, công trình phòng, tránh kết hợp với ngụy trang, nghi binh; triển khai mục tiêu giả, hạn chế ánh sáng, tiếng động vào ban đêm;

    - Khắc phục, vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt hàng loạt.

    Tùy vào tình hình thực tế mà người có thẩm quyền sẽ quyết định các biện pháp phòng thủ dân sự được nêu như trên và các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3, biện pháp  phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự 2023 khi xảy ra tình trạng chiến tranh.

    3. Cơ quan nào có thẩm quyền huy động lực lượng thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự

    Theo Điều 21 Luật Phòng thủ dân sự 2023, cơ quan có thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản bao gồm:

    - Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản của các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

    - Trang thiết bị, tài sản được huy động để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ; trường hợp bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

    - Trong trường hợp cấp thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố, thảm họa đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn quản lý hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

    => Luật Phòng thủ dân sự 2023 có hiệu lực từ 01/07/2024 xác định 3 cấp độ phòng thủ dân sự, đồng thời quy định về các biện pháp phòng thủ dân sự, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với sự cố, thảm họa.

     
    248 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận