Bắt buộc cấp giấy phép cho người thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế

Chủ đề   RSS   
  • #614766 02/08/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 82 lần


    Bắt buộc cấp giấy phép cho người thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế

    Làm việc trong không gian hạn chế là môi trường đặc biệt, trong đó có các yếu tố nguy hiểm, có hại có thể gây ra chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược, bệnh nghề nghiệp. Người thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế phải đảm bảo quy định pháp luật, bao gồm việc cấp giấy phép.

    Người có thẩm quyền cấp phép và người đề nghị cấp phép 

    Tại Tiết 1.3.3, Tiết 1.3.4 Tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH quy định:

    - Người cấp phép là người được người sử dụng lao động bổ nhiệm để thực hiện trách nhiệm cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế (hoặc một loại giấy tờ có giá trị tương đương). Người cấp phép phải là người có trình độ, kinh nghiệm an toàn, vệ sinh lao động về dây chuyền sản xuất, máy, thiết bị tại cơ sở sản xuất, nơi có các không gian hạn chế.

    Trách nhiệm của người cấp phép là:

    + Căn cứ quy định về an toàn, vệ sinh lao động, quy trình an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở, năng lực, tiêu chuẩn các cá nhân liên quan để cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế;

    + Giám sát việc thực hiện quy định về giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế.

    - Người giám sát, chỉ huy thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế là người được người sử dụng lao động ủy quyền quản lý người lao động thực hiện công việc liên quan tới không gian hạn chế.

    Trách nhiệm của người giám sát, chỉ huy là:

    + Trước khi triển khai công việc liên quan đến không gian hạn chế, dự kiến người làm việc trong không gian hạn chế, người canh gác không gian hạn chế, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong không gian hạn chế để đề nghị cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế;

    + Chỉ huy, điều hành thực hiện công việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

    Theo đó, người cấp phép là người được người sử dụng lao động bổ nhiệm để thực hiện trách nhiệm cấp giấy phép, phải có trình độ theo quy định; còn người đề nghị cấp phép là người giám sát, chỉ huy.

    Giấy phép vào làm việc trong không gian hạn chế

    Tại Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH quy định:

    Giấy phép vào không gian hạn chế phải có những nội dung sau:

    - Mô tả vị trí và tên, mã số (nếu có) của không gian hạn chế;

    - Mô tả công việc sẽ được thực hiện trong không gian hạn chế;

    - Họ tên của người giám sát, chỉ huy;

    - Họ tên những người làm việc trong không gian hạn chế, người canh gác;

    - Họ tên của người chịu trách nhiệm cấp giấy phép, thời gian cấp giấy phép;

    - Kết quả đo, kiểm tra không khí trong không gian hạn chế trước khi cấp phép và các yêu cầu bổ sung về tần suất, vị trí đo, kiểm tra không khí trước và trong quá trình thực hiện công việc;

    - Thời hạn/ hiệu lực của Giấy phép vào không gian hạn chế;

    - Các biện pháp đảm bảo an toàn phải thực hiện trước và duy trì trong quá trình thực hiện công việc trong không gian hạn chế;

    - Các nội dung khác phù hợp với yêu cầu của cơ sở sản xuất nơi có không gian hạn chế.

    Giấy phép làm việc trong không gian hạn chế đã được đóng hoặc đã bị thu hồi cần được lưu giữ tại cơ sở sản xuất ít nhất 01 (một) năm.

    Trường hợp phải thu hồi, đóng giấy phép 

    Theo tiết 2.2.7, Tiết 2.2.8 tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau: 

    - Khi chất lượng không khí hoặc các yếu tố nguy hiểm, có hại có nguy cơ gây chết người, thương tích, suy nhược, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì người canh gác không gian hạn chế hoặc những người khác có liên quan phải báo cáo người giám sát, chỉ huy tạm đình chỉ công việc, bảo đảm an toàn cho người vào trong không gian hạn chế và báo ngay cho người chịu trách nhiệm cấp giấy phép.

    Khi được báo cáo, người cấp phép phải cho dừng công việc và thu hồi giấy phép đã cấp cho công việc đó.

    - Khi công việc trong không gian hạn chế đã hoàn thành thì người giám sát, chỉ huy và người cấp giấy phép cần phải xác nhận hoàn thành công việc để đóng giấy phép.

    Theo đó, khi chất lượng không khí hoặc các yếu tố nguy hiểm, có hại có nguy cơ gây chết người, thương tích, suy nhược, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ thu hồi giấy phép đã cấp cho công việc đó. Khi hoàn thành xong công việc trong không gian hạn chế thì sẽ đóng giấy phép đã cấp cho công việc đó. 

    Như vậy, người thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế bắt buộc phải được cấp phép trước khi làm việc trong không gian này thông qua người giám sát, chỉ huy. Người có thẩm quyền cấp phép phải là người được người sử dụng lao động bổ nhiệm, có trình độ, kinh nghiệm an toàn, vệ sinh lao động về dây chuyền sản xuất, máy, thiết bị tại cơ sở sản xuất, nơi có các không gian hạn chế.

     
    104 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận