BẢO VỆ TÀI SẢN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - THƯỚC ĐO SỰ THÀNH CÔNG

Chủ đề   RSS   
  • #348868 07/10/2014

    luatsutraloi2

    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2014
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 680
    Cảm ơn: 95
    Được cảm ơn 16 lần


    BẢO VỆ TÀI SẢN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - THƯỚC ĐO SỰ THÀNH CÔNG

    Các công ty khổng lồ thường coi trị giá cổ phiếu, thị phần, doanh thu và lợi nhuận ròng là các chỉ số để đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của họ tốt hay xấu. Tuy nhiên, hiện nay người ta lại cho rằng, một thước đo quan trọng khác về hiệu quả của các công ty chính là sự hiện diện và số lượng hiện diện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Trong thập kỷ qua, các hiệp định thương mại quốc tế trên quy mô toàn cầu và khu vực, đã đặt mục tiêu giảm hoặc loại bỏ những cản trở đối với việc di chuyển hàng hoá giữa các nước. Ngoài ra, tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng cũng bổ sung thêm một yếu tố mới vào hệ thống thương mại khi thông tin và dữ liệu được chuyển tải nhờ kỹ thuật số. Trong khi các doanh nghiệp là những người hưởng lợi hợp pháp thì một điều hiển nhiên là, những kẻ phạm tội ăn cắp sở hữu trí tuệ (IP), nghĩa là sản xuất, trao đổi và mua bán hàng giả và hàng nhái, cũng đồng thời thu lợi bất chính.

    Tội phạm về quyền sở hữu trí tuệ vi phạm thương hiệu, bằng phát minh sáng chế, quyền tác giả, buôn lậu hàng hoá trên quy mô toàn cầu có thu nhập với trị giá ước tính lên đến 500 tỷ đô la mỗi năm. Vào tháng 7 năm 2003, Tổng thư ký INTERPOL đã điều trần trước một uỷ ban của Quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề này và cảnh báo với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng, doanh số buôn bán hàng giả và hàng nhái theo ước tính lên đến 450 tỷ đô la/năm trên toàn thế giới và hành vi này đang ngày càng thu hút các tổ chức tội phạm tham gia do yếu tố siêu lợi nhuận.

    Vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu gây thiệt hại 40 tỷ USD năm 2006

    Theo nghiên cứu của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và công ty chuyên dự báo và nghiên cứu thị tr­ường công nghệ thông tin thế giới IDC, 35% chư­ơng trình phần mềm được lắp đặt trong máy tính cá nhân (PC) trên thế giới trong năm 2006 là vi phạm bản quyền, gây thiệt hại ­ước khoảng 40 tỷ USD.

    Riêng ở Trung Quốc, bốn trong năm ch­ương trình phần mềm đ­ược lắp đặt trong năm ngoái là vi phạm bản quyền. Mặc dù vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền ở n­ước này đã giảm trong 2 năm liên tiếp xuống 82% trong năm 2006 và đã tiết kiệm đ­ược 64 triệu USD. Thị tr­ường phần mềm hợp pháp ở Trung Quốc đã lên gần 1,22 tỷ USD, tăng 88% so với năm trư­ớc đó.

    Tại Bungari, tỷ lệ vi phạm bản quyền năm 2006 đã giảm 2% xuống 69%, sau 3 năm liên tiếp ở mức 71%.

    Còn khoảng 66% các phần mềm cài đặt trong máy tính cá nhân tại Mỹ Latinh năm 2006 vi phạm bản quyền, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới và gây thiệt hại ­ước tính khoảng 3 tỷ USD. Chủ tịch BSA Rober Holleyman kêu gọi chính phủ các n­ước trong khu vực này tăng cư­ờng hơn nữa các biện pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp phần mềm phát triển. Các nư­ớc bị thiệt hại nhiều nhất do sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền tại Mỹ Latinh và Braxin với khoảng 1,1 tỷ USD, Mêhicô (748 triệu USD), Vênêxuêla (307 triệu USD) và áchentina (303 triệu USD).

    Trong khi đó, Mỹ đư­ợc coi là quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền ít nhất thế giới là 21%. Tuy nhiên, tổng mức thiệt hại ở Mỹ lại lớn nhất thế giới là 7,3 tỷ USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc với tổng số tiền thiệt hại ở mức 5,4 tỷ USD, tiếp sau là Pháp với khoảng 2,7 tỷ USD (Nguồn: AFP, Hồng Công, Buênốt Airết 16/5).

    Đối với các chủ sở hữu tài sản trí tuệ, người tiêu dùng và các chính phủ, sự lo âu bắt đầu từ các ngành hàng sản phẩm bị làm giả đặt ra những hiểm họa đối với sức khoẻ con người và sự an toàn của xã hội và tất nhiên là, các công ty bị hại, các chủ nhân hợp pháp sở hữu trí tuệ đang phải chịu những tổn thất kinh tế lớn trong nhiều năm qua. Mặc dù khó có thể tính toán chính xác thiệt hại đối với các công ty vì số liệu về các khoản thất thu có thể chỉ là ước tính và thiệt hại đối với uy tín của công ty có thể không tính được bằng tiền, nhưng có một thực tế là, trong lĩnh vực tội phạm sở hữu trí tuệ, những kẻ làm hàng giả và hàng nhái dường như được khuyến khích bởi lợi nhuận và các biện pháp thực thi pháp luật nói chung là không hiệu quả.

    Các số liệu thống kê dù là của Uỷ ban Châu Âu (UBCÂ) hay của Chính phủ Hoa Kỳ đều nói lên cùng một hiện tượng. Vào ngày 24 tháng 11 năm 2003, UBCÂ tuyên bố rằng, trong nửa đầu năm 2003, hải quan của các nước thành viên EU đã bắt giữ một lượng hàng giả và hàng nhái trị giá 50 triệu đôla. Để so sánh, thông báo của UBCÂ lưu ý rằng, trong cả năm 2002, các quan chức hải quan đã bắt giữ hàng giả trị giá 85 triệu đôla. Tại Hoa Kỳ, Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới thuộc Bộ An ninh nội địa cho biết, từ 1 tháng 10 năm 2002 đến 30 tháng 9 năm 2003, đã có 6.500 chuyến hàng bị bắt tại các cảng cửa khẩu của Hoa Kỳ, với ước tính trị giá trong nước trên 94 triệu đô la so với 5.793 chuyến hàng bị bắt có giá trị 99 triệu đô la trong năm tài chính 2002. Chỉ riêng tại NewYork, Sở Cảnh sát đã bắt giữ số hàng giả trị giá 17 triệu đô la trong năm 2003, một số hàng đủ để chất đầy 40 xe tải.

    Khi giới doanh nghiệp biết đến chuyện này và các chính phủ bắt đầu hiểu ra vấn đề thì tội phạm về sở hữu trí tuệ đã và đang tác động đến tất cả các ngành sản xuất. Một tuyên bố của UBCÂ đã nhấn mạnh việc số lượng sản phẩm bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng mở rộng, bao gồm cả thực phẩm, thuốc men, pin điện và các sản phẩm tiêu dùng khác. Khi loại tội phạm này mở rộng hoạt động vào các ngành hàng mới và nhắm tới các sản phẩm được ưa thích của các công ty hợp pháp, giới lãnh đạo doanh nghiệp đang phải đối đầu với những đối thủ cạnh tranh bất hợp pháp lắm tiền, nhiều của và có tổ chức.

    Thành công của doanh nghiệp trong việc tạo ra nhu cầu và thị trường cho một sản phẩm mang một biểu tượng nổi tiếng và được chứng nhận quyền tác giả và/hoặc được cấp bằng phát minh sáng chế, đã gây ra một làn sóng tội phạm sở hữu trí tuệ trên toàn cầu. Số liệu thống kê về các vụ bắt giữ nói trên là bằng chứng về một thế giới buôn bán hàng giả và hàng nhái. Ngoài ra, số lượng hàng hoá bị bắt giữ cho thấy, các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả và hàng nhái của từng nhóm tội phạm nhỏ theo kiểu gia đình thống trị đã không còn nữa.

    Đứng trước thách thức to lớn này, các chủ sở hữu tài sản trí tuệ và chính phủ cần phải làm gì?

    Liên minh kinh doanh phần mềm (BSA) cho biết, hơn 1/2 chương trình phần mềm được cài đặt tại khu vực Đông Nam á là sản phẩm sao chép bất hợp pháp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây tổn thất khoảng 8 tỷ USD cho các nhà sản xuất. Theo một kết quả nghiên cứu khác, năm qua, các công ty phần mềm trên toàn thế giới đã chi ra hơn 59 tỷ USD để phát minh phần mềm mới, nhưng nạn ăn cắp phần mềm đã làm tổn thất hơn 33 tỷ USD.

    Nâng cao tiêu chuẩn thực thi pháp luật

    Nhận thức được số lượng khổng lồ hàng giả và hàng nhái đang tràn vào EU, các quan chức ở Châu Âu đã tiến hành nhiều biện pháp để chống lại tội phạm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Các nước thành viên đã ban hành các quy định kiểm soát biên giới mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Một trong các quy định này có nội dung cho phép bắt giữ hàng hoá bị nghi ngờ, ngay cả khi chủ sở hữu tài sản trí tuệ không có đơn yêu cầu.

    Các hiệp định được ký kết giữa các đối tác thương mại trên thế giới đang nâng cao tiêu chuẩn để cải thiện tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các điều khoản trong các hiệp định thương mại, đã bao gồm những yêu cầu tăng thêm quyền lực cho cơ quan quản lý nhà nước để được quyền hành động hợp pháp trong những trường hợp có hàng hoá di chuyển qua biên giới và trong những trường hợp có tội phạm ăn cắp thương hiệu và quyền tác giả. Ngoài ra, hàng hoá xuất khẩu và quá cảnh sẽ không còn được thông quan tự do nữa, vì phải tuân thủ quy định kiểm tra theo luật.

    Do đó, các hiệp định thương mại tự do mang lại cho các ngành sản xuất hiện nay nhiều cơ hội mới để mời các quan chức chính phủ tham gia và để khẳng định sự cần thiết phải đưa các tiêu chuẩn bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cao hơn vào những hiệp định này. Khi nhiều chính phủ khởi xướng các cuộc đàm phán tự do thương mại, một chương về quyền sở hữu trí tuệ trong đó có các biện pháp thực thi, cần phải trở thành một phần không thể thiếu trong nội dung đàm phán và trong hiệp định chính thức. Nếu chúng ta không thể sử dụng đàm phán tự do thương mại để nâng cao việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì có nghĩa là chúng ta đã đánh mất cơ hội tại thời điểm mà Tổ chức Thương mại thế giới không có nhiều khả năng trở thành một diễn đàn tốt nhất để đạt được mục tiêu này.

    Chiến lược thực thi – cần thời gian để suy tính lại?

    Từng công ty hoặc nhóm các công ty đang nỗ lực giải quyết nạn ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ, mặc dù hành động của mỗi công ty dựa trên mức độ đe dọa khác nhau mà họ nhận thức được. Các chủ sở hữu tài sản trí tuệ là nạn nhân của nạn hàng giả và hàng nhái ngày càng hiểu ra rằng, ngay cả khi không gây ra rủi ro cho sức khoẻ cộng đồng và sự an toàn trực tiếp cho xã hội, thì nạn ăn cắp tài sản vẫn gây ra thiệt hại tiềm tàng cho cộng đồng nói chung, bởi sự dính líu ngày càng tăng của các nhóm tội phạm có tổ chức, và do việc chúng sử dụng lợi nhuận kiếm được để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp khác.

    Đầu tư của các doanh nghiệp nhằm mục đích bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ không có nhiều ý nghĩa khi chỉ tính đến chi phí đăng ký thương hiệu và bằng phát minh sáng chế tại các thị trường mà họ đang có hoạt động thương mại. Việc có được các quyền và các nỗ lực để bảo vệ những quyền này liên quan đến một đội quân không nhỏ những người có trách nhiệm quản lý thị trường, nếu cần thiết, thực thi pháp luật, vận động các cơ quan chính phủ và tiến hành các biện pháp khác. Do đó, mặc dù việc thực thi bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ đã mở rộng phạm vi, bao gồm áp dụng nhiều công nghệ bảo đảm trong sản phẩm hoặc đối với bao bì đóng gói và thắt chặt kiểm soát các kênh cung cấp và phân phối, thì cho đến nay, vẫn chưa có tiếng nói chung của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ khi cho rằng, nạn hàng giả và hàng nhái đang giảm đáng kể trên toàn thế giới.

    Do đó, một vấn đề phải đặt ra là liệu khái niệm “thực thi”, nghĩa là đào tạo người thực thi, điều tra, trấn áp, bắt giữ, truy tố và áp dụng các hình phạt, có phải là một lực cản cố hữu đối với những chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn hay không? Vì “thực thi” thường có xu hướng bị xem là một số các hoạt động theo nghĩa hẹp, nên những vấn đề cân nhắc theo suy nghĩ thông thường có thể vô tình ngăn cản các chiến lược gia thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ nội dung mà khái niệm “thực thi” có thể bao hàm. Những hành động thường được coi là thực thi, trên thực tế, là những hành động phản ứng trước một hiện tượng tiêu cực đã xảy ra tại thời điểm kết thúc quá trình kinh doanh của một sản phẩm, gồm hàng loạt các bước từ ý tưởng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển, tiếp thị (xúc tiến/quảng cáo), đến mua quyền sử dụng nhãn hiệu v.v..

    Vì vậy, khi các chủ sở hữu tài sản trí tuệ được yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn vào chi phí hỗ trợ kỹ thuật của chính phủ (xây dựng năng lực) trong lĩnh vực bảo vệ/thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì cũng cần phải xem xét đến nội dung mà “thực thi” bao hàm. Các công nghệ bảo đảm của các ngành sản xuất và các tiêu chuẩn bảo vệ bản quyền mới trên Internet là những yếu tố mang tính chủ động đối với “thực thi”, nhưng rõ ràng là cần phải làm nhiều hơn thế.

    Định hình lại các chiến lược thực thi đòi phải chấp nhận một vài điều kiện thực tế. Thứ nhất, việc nâng cao nội dung các điều khoản quy định về thực thi sẽ mất thời gian và việc thực hiện thậm chí còn lâu hơn. Thứ hai, mục tiêu phải loại trừ hoàn toàn nạn hàng giả là không thực tế, cũng như việc loại bỏ triệt để bất kỳ loại tội phạm nào cũng là không thực tế. Thứ ba, bất chấp hệ thống thực thi pháp luật hay việc sử dụng công nghệ đảm bảo, những kẻ sản xuất và buôn bán hàng giả và hàng nhái cũng không thèm quan tâm và không chùn bước trước những nỗ lực nhằm bắt giữ và trừng phạt chúng ở mọi cấp độ phạm tội.

    Việc đánh giá lại về chiến lược có nhiều khía cạnh. Thứ nhất, những vấn đề bình thường của một chiến lược thực thi cần phải được duy trì. Thứ hai, khi xét đến mong muốn thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào đối với sản phẩm của họ và mục tiêu đầu tư vào sản phẩm mới để thành công, thì những vấn đề thực thi cần được cân nhắc ngay trong quá trình phát triển sản phẩm ngay từ lúc đầu, thậm chí chỉ cần đơn giản là một dòng chi phí để ghi nhận vấn đề. Thứ ba, vì sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào sự tham gia và tài trợ của khu vực tư nhân cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật (xây dựng năng lực) nên các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này.

    Chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể hỗ trợ bằng nhiều cách. Thứ nhất, các công ty cần xác định mức độ đóng góp cho nền kinh tế bằng số tiền đầu tư tài chính, số việc làm tạo ra (trực tiếp và gián tiếp), tiền thuế qua thuế thu nhập công ty và cá nhân cũng như các đóng góp kinh tế khác. Thứ hai, ngoài việc cấp giấy phép sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước, “chương trình đào tạo thực thi” có thể bao gồm nhiều thông tin hơn nữa về giá trị của tài sản sở hữu trí tuệ bằng cách cử đại diện công ty giải thích cách thức tạo ra thu nhập khi thương mại hoá tài sản trí tuệ, ví dụ như trình bày tầm quan trọng của việc chọn một thương hiệu và tiếp thị thương hiệu đó để có được sự gắn bó của người tiêu dùng. Nên có một chương trình dành cho các công ty địa phương có nhiều khả năng tạo dựng nên các liên minh trong việc chống lại tội phạm sở hữu trí tuệ. Mặc dù không trực tiếp liên quan đến thực thi, nhưng một nhóm doanh nghiệp địa phương có nhận thức đầy đủ về vấn đề này sẽ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

    Tiếp theo, các ngành sản xuất cần sử dụng các công nghệ mà họ đã phát triển để có nhiều hoạt động hơn trong đào tạo và giáo dục. Tri thức hiện có và sự phân bổ theo địa lý của ngành sản xuất cho phép tạo ra và chuyển giao bất kỳ tài liệu đào tạo và giáo dục nào họ muốn cung cấp. Công nghệ còn cho phép ngành sản xuất tạo ra và kiểm soát nội dung, chuyển tải thành nhiều ngôn ngữ khác nhau và đưa chúng đến với sinh viên, người tiêu dùng, quan chức thực thi pháp luật, quan chức tư pháp, người làm luật và các đối tượng khác. Khi đầu tư phát triển sản phẩm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì việc áp dụng công nghệ cần phải được ưu tiên trong mọi chương trình đào tạo và giáo dục để bổ sung cho các chương trình đào tạo trực tiếp.

    Cuối cùng, nếu các công ty đầu tư nhiều hơn cho hoạt động chống tội phạm sở hữu trí tuệ thể thì kết quả đạt được về mặt tài chính sẽ là bao nhiêu? Không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Câu trả lời duy nhất có thể là công ty và sản phẩm của họ vẫn năng động, cạnh tranh và có lợi nhuận trên thị trường.

     

    SOURCE: nclp.org.vn  (PHIÊN BẢN CŨ CỦA TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ)

     

     

     
    5509 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận