Anh ve chai tranh chấp tờ độc đắc với chị công nhân

Chủ đề   RSS   
  • #511876 09/01/2019

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Anh ve chai tranh chấp tờ độc đắc với chị công nhân

    Anh ve chai tranh chấp tờ độc đắc với chị công nhân

    (PL)- Tờ vé số trúng giải độc đắc được mua trong lúc nhậu và cũng được dò trong lúc nhậu nên mới xảy ra tranh chấp kéo dài.

    Theo thông báo từ TAND tỉnh Cà Mau, ngày 23-1 tới đây sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp tờ vé số độc đắc giá trị 2 tỉ đồng giữa ông Lê Văn Dữ và vợ chồng ông Ngô Văn Hậu, bà Hứa Thị Phỉ. Ông Dữ là người sống bằng nghề mua ve chai, quen biết với ông Hậu (thợ sửa chìa khóa) và bà Phỉ (công nhân của một nhà máy chế biến thủy sản).

    Nghe trúng độc đắc nhưng vẫn… lăn ra ngủ

    Vụ tranh chấp tờ vé số xảy ra tại tiệc nhậu ở nhà vợ chồng ông Hậu thuộc xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Trước đó, ngày 1-8-2018, TAND TP Cà Mau đã xử sơ thẩm, tuyên tờ vé số độc đắc này thuộc về ông Dữ nên bà Phỉ kháng cáo.

    Nguyên đơn là ông Dữ (SN 1968, ngụ phường 8, TP Cà Mau) trình bày: Ngày 12-8-2017, trong lúc đang nhậu tại nhà ông Hậu, bà Phỉ thì ông bán vé số tên Phan Văn Tến ghé mời mua vé số.

    Vì là chỗ quen biết nên ông Tến đã bán chịu cho ông một tờ vé số của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang. Ngày hôm sau, khi ông Dữ cũng đang nhậu tại nhà ông Hậu thì ông Tến lại đến. Tại đây, ông Dữ trả nợ cho ông Tến 10.000 đồng là tiền mua vé số ngày hôm trước. Do quá say rượu nên ông Dữ có nhờ ông Tến dò giúp tờ vé số này. Ông Tến dò thấy trúng đặc biệt, hô lên thì ông Dữ bảo “vậy được rồi” rồi lăn ra ngủ tiếp.

    Sau khi ông Dữ tỉnh dậy thì thấy chủ nhà là bà Phỉ đi lãnh tiền vé số trúng về, nói với ông là trúng giải an ủi và đưa cho ông 8 triệu đồng. Ông Dữ nhận số tiền này và đi về nhà mình.

    Sáng hôm sau (14-8-2017), ông Dữ đi tìm gặp thì ông Tến nói với ông là vé số đó trúng giải đặc biệt chứ không phải giải an ủi. Từ đó xảy ra tranh chấp, ông Dữ đã có đơn tố cáo vợ chồng bà Phỉ đòi trả giá trị của tờ vé số là 2 tỉ đồng.

    Phía bị đơn là vợ chồng bà Phỉ thì cho rằng tờ vé số này là ông Dữ mua của ông Tến nhưng đã cho ông Hậu. Cụ thể là trong lúc đang nhậu, ông Tến vào mời vé số thì ông Hậu định mua. Thấy vậy, ông Dữ bảo ông Hậu “lấy tiền đó đi mua rượu đi, tao còn 10 ngàn, để tao trả tiền vé số cho”. Khi ông Hậu đi mua rượu về thì ông Dữ đưa tờ vé số cho ông Hậu và nói “tao cho mầy nè”.

    Công an chuyển hồ sơ cho tòa

    Trước khi tòa dân sự giải quyết thì ông Dữ có đơn tố cáo vợ chồng ông Hậu đến công an. Sau khi xác minh, ngày 29-9-2017, Công an TP Cà Mau đã có báo báo cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau. Theo đó, qua xác minh ban đầu cho thấy tờ vé số thuộc sở hữu của ông Dữ và vụ việc có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do số tiền là 2 tỉ đồng nên hồ sơ được Công an TP Cà Mau chuyển lên cho công an tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau kết luận đây là vụ việc dân sự và sau đó hồ sơ được chuyển sang TAND TP Cà Mau giải quyết.

    HĐXX tòa sơ thẩm nhận định: Theo lời khai tại Công an TP và Công an tỉnh thì ông Dữ, ông Tến và ông Hậu khai thống nhất về nguồn gốc tờ vé số là do ông Dữ mua từ ông Tến. Ông Dữ mua ngày 12-8-2017, hôm sau ông Dữ đưa tờ vé số cho ông Tến dò thay thì phát hiện trúng độc đắc. Nhưng bà Phỉ cầm lấy tờ vé số này và nói chỉ trúng an ủi, rồi đi vào nhà sau.

    Tuy nhiên, bà Phỉ không thừa nhận lời khai của chồng bà là ông Hậu ở CQĐT và cho rằng ông Hậu có bệnh lý về tâm thần. Nhưng khi tòa yêu cầu bà xác định làm thủ tục để tòa tuyên bố ông Hậu hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bà Phỉ không làm.

    Đối chiếu toàn bộ hồ sơ và lời khai tất cả đương sự, nhân chứng liên quan, tòa sơ thẩm tuyên vé số độc đắc thuộc sở hữu của ông Dữ. Đồng thời, tòa cũng tuyên tiếp tục phong tỏa tài khoản 1,5 tỉ đồng của vợ chồng ông Hậu, bà Phỉ đang gửi ở ngân hàng. Sau khi tuyên án, phía bị đơn là bà Phỉ kháng cáo toàn bộ bản án.

    Tòa án tỉnh đã ba lần đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm nhưng đều phải hoãn do nguyên nhân từ phía bị đơn. Theo lịch xét xử mới, ngày 23-1 tới, tòa sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ án hy hữu này.

    Nguồn: Theo Pháp luật TP.HCM

     

     
    1921 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #512572   21/01/2019

    nguyenphuong2804
    nguyenphuong2804
    Top 150
    Female
    Lớp 3

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:14/04/2018
    Tổng số bài viết (635)
    Số điểm: 4110
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 37 lần


    Theo mình thấy thì vụ việc nêu trên rõ ràng là bà Phỉ đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Rõ ràng ngay cả ông Hậu là chồng của bà Phỉ cũng thừa nhận hành vi nhưng bà Phỉ lại lật lọng nói chồng mình có bệnh lý về tâm thần nhưng khi cơ quan yêu cầu chứng minh thì bà Phỉ lại không làm được. Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì:

    “Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

    ….

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

    c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”

    Trong tình huống chủ thớt đưa ra, rõ ràng bà Phỉ đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền trúng độc đắc của ông Dữ bằng cách nói rằng nói với ông Dữ là ông chỉ trúng giải an ủi thôi và đưa cho ông 8 triệu đồng trong khi số tiền bà Phỉ nhận được là gần 2 tỉ đồng. Rõ ràng bà Phỉ đã nói dối ông Dữ nhằm chiếm đoạt số tài sản này. Bên cạnh đó, với số tiền mà bà Phỉ đã lấy của ông Dữ là gần 2 tỷ (lớn hơn 500 triệu đồng) nên bà Phỉ có thể phải chịu hình phạt quy định tại Khoản 4 Điều 174 nêu trên.

    Nhưng đây chỉ là ý kiến của mình chứ để xét xử trong thực tế thì tòa án phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa. Việc của mình là chờ đến khi tòa án đưa ra quyết định cuối cùng thôi.

     
    Báo quản trị |