Riêng mình ủng hộ việc tử hình trong các tội tham ô và tham nhũng. Các bạn có thể tham khảo một số vấn đề Xử lý tử hình trong pháp luật thời phong kiến Việt Nam:
Bộ luật Gia Long do vua Gia Long (trị vì năm 1802-1820) ban hành với gần 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, điều chỉnh hành vi của quan lại lạm quyền. Điều 31 quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
Điều 111 quy định: Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.
Bộ luật này là kim chỉ nam để các vua trị vì xuyên suốt thời Nguyễn. Dưới thời vua Minh Mạng (năm 1820-1840), người nào tham ô của công dù làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi quy định pháp luật.
Sách sử ghi lại năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, tại Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho dân, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.
Trong sách Đại Nam thực lục kể, vào tháng 5/1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác. Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án. Điều 229 của bộ luật triều Nguyễn có quy định: Kho của vua gọi là Nội Phủ, nó ở trong cấm địa của hoàng thành, nếu lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu.
Tuy nhiên, với Hữu Diệm, thay bằng tuyên án chém đầu, bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua cho rằng ở thời vua trước, có một viên quan thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả để trộm đổi lấy ấn thật trong kho. Những tên này đều bị chém ngay.
Hữu Diệm dám công nhiên lấy trộm cả cân vàng theo nhà vua trong mắt Diệm đã không có pháp luật. Vua lệnh giải ngay Hữu Diệm đến chợ Đông Ba chém đầu để răn đe những người khác có ý định phạm tội.