Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
Hiện nay Luật doanh nghiệp quy định rất nhiều loại hình doanh nghiệp, phổ biến hơn cả là loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người mà đánh giá loại hình nào có ưu thế hơn cả để lựa chọn.
Về cơ bản, xin được tóm lược các điểm khác biệt như dưới đây để bạn hiểu hơn về loại hình doanh nghiệp trước khi lựa chọn:
1. Công ty cổ phần: là doanh nghiệp có tối thiểu từ 3 cổ đông (tổ chức hoặc cá nhân) góp vốn và số lượng cổ đông tối đa là không hạn chế. Vốn điều lệ được chia thành nhiều cổ phần bằng nhau, mệnh giá cổ phần tối thiểu là 10.000 đồng, công ty này thích hợp cho việc huy động vốn với nhiều quy định rất mở và linh hoạt như: công ty cổ phần được quyền phát hành cổ phần, trái phiếu để huy động vốn. Thực tế quản lý nhà nước đối với công ty cổ phần hiện nay không quy định công ty cổ phần được giảm vốn nên có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hạch toán khoản lãi vay vào chi phí hợp lý khi doanh nghiệp có số vốn khống quá lớn so với vốn góp đủ trên thực tế.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có duy nhất 1 thành viên (cá nhân hoặc tổ chức) tham gia góp vốn và là chủ sở hữu. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên phải có từ hai thành viên góp vốn trở lên và hạn chế số lượng thành viên góp vốn tối đa không quá 50 thành viên. Vốn không được chia đều thành các phần bằng nhau, việc huy động vốn không được linh hoạt như công ty cổ phần vì công ty trách nhiệm hữu hạn không được phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được giảm vốn trong suốt quá trình hoạt động.
Về cơ cấu tổ chức của hai loại hình cũng khác nhau nhưng không phải là điểm quá quan trọng trong quá trình kinh doanh.
Đối chiếu với nhu cầu và thực tế của bạn, bạn có thể lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên nếu nhu cầu huy động vốn từ bên ngoài không quá cấp thiết.
Thủ tục thành lập đối với mỗi loại hình công ty là khác nhau, khi bạn cân nhắc lựa chọn loại hình công ty.
Về các loại thuế áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp hiện nay: (1) thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) thuế giá trị gia tăng; (3) thuế thu nhập cá nhân; (4) các loại thuế khác phụ thuộc vào nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Ý kiến tư vấn của luật sư được dựa vào các thông tin mà bạn cung cấp.
Trân trọng./.