08 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 04/2020

Chủ đề   RSS   
  • #541737 24/03/2020

    ngkhiem

    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/02/2020
    Tổng số bài viết (69)
    Số điểm: 1410
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 59 lần


    08 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 04/2020

    Covid-19 hoành hành khắp nơi nhưng vẫn không quên cập nhật liên tục văn bản mới để gửi đến mọi người sử dụng khi cần thiết nè! Dưới đây là 07 chính sách trên nhiều lĩnh vực có hiệu lực thi hành từ tháng sau nhé!

    1. Không được nhận xét vào lý lịch khi chứng thực chữ ký

    Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

    Cụ thể từ ngày 20/4/2020 người thực hiện chứng thực không được ghi nhận xét vào tờ khai ký kịch cá nhân của người có nhu cầu chứng thực. Theo đó, người thực hiện chứng thực chỉ ghi lời chứng chứng thực chữ ký theo quy định pháp luật.

    >>>Xem chi tiết TẠI ĐÂY

    >>> Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020

    2. Phạt đến 75.000.000 đồng nếu NSDLĐ cưỡng bức, ngược đãi người lao động

    Nghị định 28/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 10; vấn đề này quy định hiện hành chưa có quy định.

    Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên là từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

    >>>Xem thêm bài viết 09 thay đổi từ 15/4/2020, NLĐ cần biết để bảo vệ mình TẠI ĐÂY

    >>> Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020

    3. Phạm nhân bị cấm lập hội nhóm, bè phái khi bị giam giữ

    Điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân nêu rõ nghiêm cấm hành vi lập hội, nhóm, bè phái dưới mọi hình thức; có thái độ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

    So với quy định tại Thông tư 36/2011/TT-BCA thì Thông tư mới này đã quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn nội quy mà phạm nhân phải tuân thủ khi bị giam giữ, ví dụ: Lưu trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu, phim, băng, đĩa, thiết bị lưu trữ điện tử, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy hay các hành vi quan hệ đồng tính, tình dục, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác (trừ quan hệ vợ, chồng khi được phép); xăm trổ trên thân thể mình hoặc người khác; tự đeo lên cơ thể mình hoặc người khác những vật thể bằng kim loại hoặc vật chất khác...

    >>>Thông tư 17/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 03/4/2020

    4. Tăng thời hạn đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật thuộc Bộ Quốc Phòng

    Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; đã tăng thời hạn đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật lên không quá 03 tháng; trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 05 tháng (so với quy định tại Thông tư 192/2016/TT-BQP là không quá 30 ngày, trường hợp đặc biệt là không quá 3 tháng).

    Thông tư áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    >>>Thông tư 16/2020/TT-BQP có hiệu lực từ 08/4/2020

    5. Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thuộc dự án PPP đối với trường hợp áp dụng hợp đồng BT

    Khoản 4 Điều 3 Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư nêu rõ: Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được trừ đi một khoản giá trị bằng 5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

    Bên cạnh đó, khi đàm phán, hoàn thiện hợp đồng phải đảm bảo theo 02 nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 44, cụ thể như sau:

    - Không tiến hành đàm phán, hoàn thiện hợp đồng đối với các nội dung mà nhà đầu tư đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

    - Việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không được làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu.

    >>>Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020

    6. Hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã

    Ngày 19/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã, cụ thể:

    - Phân loại hợp tác xã sẽ dựa trên 04 tiêu chí: theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên, theo quy mô thành viên, theo quy mô tổng nguồn vốn và theo ngành nghề (từ Điều 3 đến Điều 6)

    - Tiêu chí đánh giá hợp tác xã sẽ chia thành 03 nhóm: nhóm tiêu chí về tài chính, nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của hợp tác xã và nhóm tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng (quy định tại Điều 7)

    - Về cách thức đánh giá và xếp loại hợp tác xã được quy định tại Điều 8 như sau:

    “1. Hàng năm, Hội đồng quản trị hợp tác xã tổ chức tự đánh giá và cho điểm hợp tác xã mình theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Ban Kiểm soát (hoặc kiểm soát viên) kiểm tra kết quả việc tự đánh giá theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục 2.

    2. Căn cứ trên kết quả tự đánh giá đã được Hội đồng quản trị và ban kiểm soát (kiểm soát viên) thống nhất, hợp tác xã được xếp loại như sau:

    a) Tốt: Tổng điểm đánh giá đạt từ 80 điểm đến 100 điểm;

    b) Khá: Tổng điểm đánh giá đạt từ 65 điểm đến dưới 80 điểm;

    c) Trung bình: Tổng điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 65 điểm;

    d) Yếu: Tổng điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm;

    3. Trường hợp hợp tác xã mới thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng hoặc hợp tác xã ngừng hoạt động từ trên 3 tháng trong năm thì không tiến hành đánh giá và xếp loại.”

    >>> Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT sẽ có hiệu lực từ 01/4/2020

    7. Phạt tối đa 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ

    Điều 4 Nghị định 18/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền nêu rõ:

    “1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân

    …”

    Như vậy mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đối với các nhân là 50.000.000 đồng và đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

    >>>Nghị định 18/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2020

    8. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ

    Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP được Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành ngày 05/3/2020 hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ, cụ thể thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

    >>>Xem chi tiết TẠI ĐÂY

    >>> Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 10/4/2020

    Cập nhật bởi ngkhiem ngày 24/03/2020 03:56:07 CH
     
    2585 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn ngkhiem vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (24/03/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận