Hiện nay việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang được diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển nhượng này trong nhiều trường hợp lại diễn ra rất phức tạp và rắc rối. Bài viết xin chia sẻ những kiến thức cơ bản về những thủ tục liên quan tới hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện thông qua 4 bước sau đây:
Bước 1: Đặt cọc
Đây không phải là một thủ tục bắt buộc khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, nó là một biện pháp đảm bảo được pháp luật cho phép trong quá trình thực hiện giao dịch (Điều 328 BLDS 2015).
Trong quá trình chuyển nhượng quyền bên chuyển nhượng có quyền yêu cầu bên nhận chuyển nhượng thực hiện việc đặt cọc một khoản tiền nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau này.
Bước 2: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Việc ký kết hợp đồng này cần được thực hiện tại một văn phòng công chứng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013, Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014.
Theo đó, các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bắt buộc phải có xác nhận của văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý và có giá trị khi tiến hành các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ một số giao dịch quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014).
- CNND/Thẻ CCCD/ Sổ hộ khẩu, GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên chuyển nhượng.
Trong trường hợp bên chuyển nhượng là vợ chồng cùng đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì cần đem theo GCN kết hôn.
– CNND/Thẻ CCCD/ Sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng.
Tại văn phòng công chứng việc chuyển nhượng sẽ được lập thành hợp đồng có xác nhận của công chứng viên. Thông thường hợp đồng được lập thành 05 bản: 01 bản giao cho bên bán; 01 bản giao cho bên mua; 01 bản gửi cơ quan thuế; 01 bản gửi văn phòng nhà đất và 01 bản cơ quan công chứng sẽ lưu.
Bước 3: Kê khai nghĩa vụ thuế tại UBND quận/ huyện nơi có đất.
Có hai loại phí, thuế cần nộp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là Thuế thu nhập cá nhân và Lệ phí trước bạ.
Hồ sơ để kê khai nộp thuế bao gồm:
1. Tờ khai lệ phí trước bạ.
2. Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (trong trường hợp được miễn thuế thì không cần kê khai khoản này).
3. Hợp đồng chuyển nhượng.
4. Bản sao GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (có chứng thực).
5. Bản sao CMND/ Thẻ CCCD và sổ hộ khẩu của hai bên (có chứng thực).
Sau khi có thông báo nộp thuế: hai bên tiến hành nộp thuế tại Chi cục thuế quận, huyện nơi có bất động sản trong thời hạn 10 ngày vào ngân sách nhà nước.
Bước 4: Kê khai sang tên quyền sử dụng đất tại Phòng đăng ký đất đai quận hoặc Văn phòng đăng ký đất đai – thuộc Sở Tài nguyên và môi trường.
Đây là bước để hợp thức hóa quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với người nhận chuyển nhượng. Một trong hai bên theo thỏa thuận trong hợp đồng sẽ nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng kí đất đai hoặc Phòng tài nguyên môi trường làm thủ tục sang tên chuyển nhượng.
Hồ sơ kê khai sang tên quyền sử dụng đất bao gồm:
1. Đơn đề nghị đăng ký biến động.
2. Hợp đồng chuyển nhượng.
3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
5. Bản sao chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của bên mua (có chứng thực).
6. Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
* Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự 2015.
– Luật đất đai 2013.
– Luật nhà ở 2014.
– Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Lệ phí trước bạ ban hành ngày 10/10/2016.
– Thông tư 301/2016/TT-BTC Hướng dẫn về lệ phí trước bạ ban hành ngày 15/11/2016.
– Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 15/08/2013.
Cập nhật bởi KieuNga1109 ngày 03/07/2017 09:41:49 CH