03 phương án đòi nợ hợp pháp

Chủ đề   RSS   
  • #526430 26/08/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    03 phương án đòi nợ hợp pháp

    Giao dịch vay tiền diễn ra rất phổ biến trong đời sống thường nhật ngày nay. Mặc dù vậy, điều đáng nói không phải trường hợp nào bên cho vay cũng nhận lại được khoản tiền vay và lãi suất như các bên đã thỏa thuận.

    Giải quyết vấn đề nan giải này, tùy mỗi trường hợp mà bên cho vay phải dùng một hoặc nhiều biện pháp khác nhau để đòi nợ. Tuy nhiên, bên cho vay cần lưu ý về nguyên tắc đòi nợ đúng luật, đó là không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không bắt giữ người vay trái pháp luật. Bởi, khi thực hiện đòi nợ bằng các hành động trên, người cho vay rất dễ vướng vòng lao lý với các tội danh như:

    + Có thể bị khởi tố về Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 khi người cho vay dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

    + Có thể bị khởi tố về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 khi người cho vay đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản.

    + Có thể bị khởi tố về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 khi người cho vay có hành vi bắt, giữ hoặc giam người vay trái pháp luật.

    Theo quy định pháp luật hiện hành, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bên cho vay có thể áp dụng một trong ba phương pháp đòi nợ được xem là hợp pháp sau:

    1. Sử dụng dịch vụ đòi nợ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ

    Thoạt nghe thì có vẻ đây là dịch vụ mang tính “xã hội đen” nhưng đây là dịch vụ hợp pháp theo quy định các bạn nhé (được ghi nhận tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và được hướng dẫn tại Thông tư 110 /2007/TT-BTC).

    Khi đã dùng các biện pháp thương lượng với bên vay không thành, bên cho vay có thể tiến hành thuê dịch vụ đòi nợ. Hiện nay, pháp luật quy định các biện pháp trong hoạt động dịch vụ đòi nợ mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể tiến hành đó là:

    - Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ:

    + Thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ;

    + Thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ;

    + Nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.

    - Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho khách nợ: được áp dụng các biện pháp phù hợp đã nêu trên để đàm phán, thương thuyết với chủ nợ về các nội dung do khách nợ ủy quyền.

    Dĩ nhiên, những người làm kinh doanh dịch vụ đòi nợ họ sẽ có những phương pháp, cách thức đặc biệt hay còn lại là “bí quyết nghề nghiệp” giúp bạn đòi nợ hiệu quả và tất nhiên bạn phải trả phí cho dịch vụ này rồi.

    2. Khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền

    Bên cho vay có thể lựa chọn phương án khởi kiện ra Tòa án để buộc bên vay phải trả tiền bằng bản án của Tòa án.

    Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đòi nợ vay theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự”. Tuy nhiên, khi giải quyết thông qua con đường này bên cho vay phải xác định sẽ rất mất thời gian (và có thể tốn cả tiền bạc trong trường hợp bên cho vay phải chịu trách nhiệm đóng án phí khi yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận). Một vụ án dân sự thông thường từ khi bạn nộp đơn khởi kiện và được thụ lý, cho đến khi có bản án sơ thẩm thời gian trung bình khoảng 07 tháng (Các bạn có thể xem thêm bài viết: Thời hạn giải quyết vụ án dân sự tối thiểu là bao lâu?). Chưa kể đến trường hợp nếu có kháng cáo và xử phúc thẩm thì thời gian sẽ kéo dài thêm rất lâu.

    Cần lưu ý, nếu phát hiện con nợ có dấu hiệu tẩu tán tài sản, khi khởi kiện bạn hãy tùy tình hình để yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp sau: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

    3. Tố giác ra cơ quan Công an

    Nếu bạn cho rằng hành vi quỵt tiền nợ có dấu hiệu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bạn có quyền làm đơn tố giác ra cơ quan công an theo Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì có thể bị xem xét về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015).

     

     
    2586 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (27/08/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận